Từ nhỏ đến lớn, ta đã được tiếp xúc với rất nhiều câu chuyện hay và ý nghĩa. Để có thể chia sẻ chúng đến mọi người, mời em tham khảo phần Viết bài văn kể lại một câu chuyện đã đọc hoặc đã nghe, Tiếng Việt 4, Kết nối tri thức, học kì I do đội ngũ Trường Hải Tiến Giang biên soạn nhé!
Đề bài: Viết bài văn kể lại một câu chuyện đã đọc hoặc đã nghe.
I. Dàn ý bài văn kể lại một câu chuyện đã đọc hoặc đã nghe:
1. Mở bài:
– Giới thiệu khái quát về câu chuyện em muốn kể.
2. Thân bài:
– Kể lại các chi tiết trong truyện theo trình tự thời gian.
– Nêu bài học em rút ra được từ câu chuyện đó.
3. Kết bài:
– Khái quát lại suy nghĩ, cảm xúc của em về câu chuyện đã chọn.
II. Bài văn mẫu kể lại một câu chuyện đã đọc hoặc đã nghe:
* Gợi ý bài văn mẫu Tiếng Việt 4 Kết nối tri thức
1. Viết bài văn kể lại một câu chuyện đã đọc hoặc đã nghe – mẫu số 1: Truyện “Sự tích chú Cuội”
Trong rất nhiều truyện cổ tích đã đọc, em thích nhất là “Sự tích chú Cuội”. Câu chuyện không chỉ nhắc đến nguồn gốc của chú Cuội mà còn đem đến cho em nhiều bài học ý nghĩa.
Truyện kể về chàng tiều phu tên Cuội. Một lần vào rừng, anh ta thấy cảnh đám hổ con đã chết được hổ mẹ mớm cho loại lá kì lạ. Từ đó, phát hiện ra loài cây có khả năng “cải tử hoàn sinh”. Vì tò mò, Cuội đã mang cây về trồng và giúp đỡ được rất nhiều người. Có hôm, Cuội đi trên đường và phát hiện ra một con chó đáng thương nằm chết bên đường. Thương hại, anh ta lấy lá cây cứu sống nó rồi mang về nhà nuôi. Chú chó cũng biết ơn ân nhân, luôn quấn quýt chủ không rời nửa bước. Một lần, Cuội cứu sống con gái phú ông. Cô gái tỉnh dậy thì vô cùng biết ơn, nguyện theo Cuội về nhà. Phú ông cũng rất vừa lòng, quyết định gả luôn con gái cho anh. Thế là Cuội có vợ. Hai vợ chồng sống với nhau vô cùng hòa thuận, hạnh phúc.
Lúc bấy giờ, trong làng có một bọn cướp chuyên. Chúng biết Cuội có thể hồi sinh người chết, đem lòng ghen ghét, nhân lúc anh ta đi vắng đã giết vợ Cuội và quẳng bộ lòng đi. Chàng Cuội trở về thấy vợ chết thì đau khổ vô cùng, cố hết sức lấy lá cây chữa trị. Thế nhưng do không còn bộ lòng, Cuộc không thể nào hồi sinh vợ được. Chú chó trung thành thương chủ, nguyện dâng hiến bộ lòng của mình. Nhờ vậy mà vợ Cuội sống lại. Sau đó, Cuội đắp một bộ lòng bằng đất cho chú chó và thành công hồi sinh nó. Cả gia đình lại vui vẻ, thuận hòa chung sống.
Tuy nhiên, vợ Cuội sau khi sống lại lại trở nên hay quên. Cuội lúc nào cũng nhắc vợ phải tưới cây bằng nước giếng trong. Thế nhưng dặn rồi nàng ta lại quên luôn. Trong một lần Cuội đi vắng, người vợ đã tưới nước bẩn cho cây thần. Cái cây cứ vậy bật gốc, dần bay lên trời. Đúng lúc đó thì Cuội trở về. Do tiếc cây, anh ta đã túm lấy rễ, cố kéo cái cây về lại nhưng vô ích. Thế là cả người cả cây bay lên cung trăng.
Qua “Sự tích chú Cuội”, em đã nhận ra rằng sự sống của con người là có hạn. Thế nên chúng ta cần biết trân trọng hiện tại, đối đãi tử tế với tất cả mọi người. Có như vậy, cuộc sống mới trở nên có ý nghĩa.
2. Viết bài văn kể lại một câu chuyện đã đọc hoặc đã nghe – mẫu số 2: Truyện “Con vẹt xanh”
Trong các câu chuyện đã đọc, em ấn tượng nhất với tác phẩm “Con vẹt xanh”. Truyện đã để lại nhiều bài học quý giá về thái độ, cách đối xử giữa người với người.
Truyện kể về một bạn nhỏ tên Tú. Một hôm, Tú thấy một con vẹt lông xanh đang bị thương. Khi ấy, cậu quyết định đem chú vẹt về nhà chăm sóc. Thấy anh bảo vẹt có thể bắt chước tiếng người, Tú vô cùng hào hứng. Cậu chăm chỉ, miệt mài dạy chú vẹt tập nói.
Có hôm đang ngồi chơi với vẹt, Tú nghe anh gọi ra giúp. Do cảm thấy bị làm phiền, cậu đã cáu gắt và nói trống không với anh: “Cái gì?”, “Kêu chi kêu hoài”. Điều này diễn ra không chỉ một mà là rất nhiều lần.
Thời gian qua đi, vẹt xanh đã biết huýt sáo. Tuy nhiên, nó vẫn chưa chịu nói tiếng nào. Một lần Tú gọi, vẹt đã cất giọng the thé gắt lại: “Cái gì?”. Nghe vậy, Tú vui mừng khôn xiết, nghĩ rằng mình đã thành công rồi. Thế là cậu đi khoe khắp nơi về việc vẹt nhỏ nhà mình biết nói.
Hôm sau, bạn bè đến nhà Tú chơi để “chiêm ngưỡng” chú vẹt. Tú hãnh diện gọi “Vẹt ơi” nhưng vẹt nhỏ lại the thé đáp “Cái gì?”. Điều này khiến Tú xấu hổ, nghiêm giọng gọi lại thêm lần nữa. Khi này, vẹt nhỏ than phiền bằng giọng bất mãn: “Kêu chi kêu hoài”. Thế là các bạn được dịp cười bò thích thú. Nhưng Tú lại ngồi lặng thinh, nhớ lại bao lần mình nói trống không, cằn nhằn bởi anh gọi. Nghĩ vậy, cậu hối hận vô cùng. Chú vẹt nhỏ có lẽ cũng biết lỗi, xù lông cổ, rụt đầu và gù một cái nghe tựa tiếng “Dạ!”.
Qua câu chuyện, em cảm thấy bản thân cần biết lễ phép với người lớn hơn. Các em nhỏ đều có thể bắt chước những việc mình làm. Vậy nên ta cần cư xử mẫu mực, trở thành tấm gương sáng cho thế hệ sau.
3. Viết bài văn kể lại một câu chuyện đã đọc hoặc đã nghe – mẫu số 3: Truyện “Em bé thông minh”
Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, em thích nhất là “Em bé thông minh”. Tác phẩm không chỉ mang đến một câu chuyện thú vị mà còn giúp người đọc nhận ra thêm nhiều bài học ý nghĩa.
Truyện kể rằng ngày xưa, nhà vua muốn tìm người tài giỏi để giúp nước. Vậy nên vua đã sai một viên quan đi dò la khắp nơi. Đi đến đâu, viên quan cũng đưa ra những câu hỏi hóc búa nhằm thử thách người dân. Tuy nhiên, đi mãi mà ông ta cũng chẳng gặp được ai ưng ý.
Một lần, viên quan đi qua cánh đồng nọ và gặp hai cha con đang làm ruộng. Viên quan dừng ngựa và đưa ra câu hỏi oái oăm: “Này ông kia, trâu của ông một ngày cày được mấy đường?”. Khi người cha đang ngơ ngác không hiểu gì thì cậu con trai nhỏ bên cạnh đã nhanh nhảu hỏi ngược lại: “Dạ thưa ông. Nếu ông trả lời được ngựa của ông một ngày đi được mấy bước thì con sẽ trả lời trâu nhà con một ngày cày được bao nhiêu đường ạ.”. Nghe vậy, viên quan biết đã tìm được người tài, vui mừng mà hỏi tên họ làng xã để về tâu với vua.
Vua nghe kể thì rất hài lòng, tuy nhiên vẫn muốn thử thách cậu bé đó thêm. Thế là vua đã ban cho làng của cậu bé ba thúng gạo nếp và ba con trâu đực, ra lệnh cả làng nuôi sao để năm sau ba con trâu ấy thành chín con. Còn nếu không làm được thì cả làng phải chịu vạ. Dân chúng nghe vậy thì vô cùng lo lắng, chỉ riêng có cậu bé vẫn bình tĩnh. Cậu nhanh trí bảo cha thưa với làng thịt hai con trâu, đồ hai thúng gạo nếp để cả làng ăn. Còn một con trâu và một thúng gạo để làm phí cho hai cha con lên kinh thành. Người cha ban đầu rất lo lắng, xong vẫn nghe theo. Cả làng mở tiệc ăn uống linh đình. Sau đó, hai cha con cậu bé khăn gói lên đường vào kinh. Đến cung vua, cậu bé khóc um lên ăn vạ, tâu rằng cha không chịu đẻ em bé cho mình chơi cùng. Vua phán cha cậu bé là giống đực, không đẻ được. Thế là cậu bé nhắc lại chuyện vua ban trâu khi trước. Nghe câu trả lời của cậu bé, nhà vua vô cùng hài lòng.
Tuy nhiên, nhà vua vẫn muốn thử thách cậu bé thêm một lần nữa. Vua sai sứ giả đưa một con chim sẻ, bắt cậu bé phải dọn thành ba cỗ thức ăn. Cậu bé chỉ bình tĩnh đưa lại cho sứ giả một cây kim, nhờ sứ giả tâu với vua cho rèn thành một con dao để xẻ thịt chim. Lần này, nhà vua đã tâm phục khẩu phục, ban thưởng cho hai cha con rất hậu.
Thời điểm đó, nước láng giềng lăm le xâm lược nước ta. Vua bên đó muốn thử xem nước ta có nhân tài hay không, bèn sai sứ giả mang sang 1 cái vỏ ốc dài, rỗng 2 đầu, yêu cầu xâu 1 sợi chỉ mảnh qua đường ruột ốc. Rất nhiều đại thần, ông trạng, nhà thông thái đều phải bó tay, chịu thua trước câu hỏi hóc búa kia. Hết cách, vua đành sai người đi hỏi cậu bé thông minh. Cậu hát lên một câu, ý rằng bắt con kiến càng và buộc chỉ ngang lưng nó, sau đó bôi mỡ ở đầu kia để kiến luồn chỉ sang. Sứ giả mang tin về. Thế là vấn đề được giải quyết. Từ đó, vua phong cậu bé làm Trạng nguyên, xây dinh thự ở bên hoàng cung để tiện hỏi han.
Như vậy, qua câu chuyện, độc giả có thể thấy được sự đề cao, niềm hi vọng mà người xưa dành cho thế hệ trẻ. Đồng thời, truyện cũng thể hiện lòng yêu nước, tự hào và tự tôn dân tộc, quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước. Từ đó, em thấy bản thân mình cần cố gắng, nỗ lực học tập để sau này góp phần xây dựng quê hương, Tổ quốc giàu đẹp hơn.
– – – – – – – – – – – – – – – – – – – HẾT – – – – – – – – – – – – – – – – – – –
Khi kể lại một câu chuyện, em hãy cố gắng dùng giọng văn của riêng mình. Đồng thời, đưa ra các bài học mà em nhận thấy được để bài viết thêm hấp dẫn nhé. Mời em tham khảo một số bài mẫu khác trên Trường Hải Tiến Giang như: Lập dàn ý kể lại một câu chuyện có nhân vật chính là trẻ em; Lập dàn ý kể lại một câu chuyện mà em đã đọc trong sách giáo khoa Tiếng Việt.