Năm 2000, tôi và một số hộ dân (5 hộ) trong hẻm đã đóng tiền làm đường ống nước chạy từ mặt tiền đường vào hẻm để được có đồng hồ nước riêng. Từ đó đến nay đã có thêm 1 số gia đình khác trong hem xin đấu nối, làm tăng số lượng đồng hồ lên 10.
Do thấy áp lực nước yếu nên sau đó các hộ đã quyết định không đồng ý cho đấu nối thêm nữa ( có bản cam kết và chữ ký của tất cả các hộ). Gần đây có 3 hộ mới xin được đấu nối thêm nhưng như đã thoả thuận, chúng tôi không đồng ý (các hộ này đã tự làm việc với Cty cấp nước mà không nói với chúng tôi, chúng tôi chỉ biết khi nhân viên Cty cấp nước cho người xuống đao đường để đấu nối và bị chúng tôi ngăn cản không cho làm). Sau đó vì 1 trong 3 hộ này có người làm ở UBND phường nên UBND phường liên tục gửi giấy mời cho chúng tôi yêu cầu phải lên phường nghe phổ biến thông tư về việc lắp đặt đường ống nước hoăc họp bàn về việc đấu nối nhưng các hộ đều từ chối không có mặt. Sau đó Chủ tịch UBND phường có xuống tổ dân phố gặp mặt chúng tôi và chúng tôi cũng đã trình bày rõ ràng về thoả thuận không đấu nối thêm của chúng tôi (có cả tổ trưởng tổ dân phố, công an khu vực và 1 nhân viên cấp nước) và đã có biên bản họp. Nhưng vài tuần sau chúng tôi lại nhận được thư mời lên làm việc từ Phó chủ tịch UBND phường.
Chúng tôi muốn các hộ mới muốn lắp đồng hồ nước riêng sẽ tự đi đường ống mới thay vì đấu nối chung với chúng tôi do áp lực nước hiện tại yếu (những nhà trên cao có nhũng thời điểm nước chảy ri rỉ). Tôi xin được hỏi chúng tôi làm như vậy có sai luật không, và xin hỏi đây là vấn đề giữa chúng tôi và Cty cấp nước hay là với UBND phường? Và trong trường hợp này, UBND can thiệp như thế này có đúng quy định không. Tôi mong nhận được sự tư vấn của quý Cty.Tôi xin chân thành cảm ơn.
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Cty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:
Điều 216 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về quản lý tài sản chung:
“Các chủ sở hữu chung cùng quản lý tài sản chung theo nguyên tắc nhất trí, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”
Theo thông tin mà bạn cung cấp thì đường ống dẫn nước do các hộ gia đình đóng góp tiền để lắp đặt do vậy bạn cần xem xét kỹ hơn nếu phần ống nước là tài sản chung của các hộ gia đình đã đóng tiền thì xác định là phần tài sản của những chủ sở hữu của đường ống dẫn nước đó. Nếu trước đây những người sở hữu đã thỏa thuận là không cho các hộ gia đình khác dùng đường ống chung đã được lắp đặt trước đây thì hiện tại những hộ gia đình đó phải tự lắp đường ống riêng.
Trường hợp việc dẫn nước qua các hộ gia đình muốn đấu nối chung phải qua đất của các hộ gia đình khác thì các hộ gia đình có đất phải tạo điều kiện cho các hộ gia đình cần dùng nước một lối đặt đường ống phù hợp theo quy định tại Điều 252 Bộ luật dân sự năm 2015 về quyền về cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề:
“Trường hợp do vị trí tự nhiên của bất động sản mà việc cấp, thoát nước buộc phải qua một bất động sản khác thì chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua phải dành một lối cấp, thoát nước thích hợp, không được cản trở hoặc ngăn chặn dòng nước chảy.
Người dùng lối cấp, thoát nước phải hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua khi lắp đặt đường dẫn nước; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trường hợp nước tự nhiên chảy từ vị trí cao xuống vị trí thấp mà gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua thì người dùng lối cấp, thoát nước không phải bồi thường thiệt hại”
Về những chủ thể liên quan đến vấn đề này thì không chỉ có Cty cấp thoát nước, vì đây là vấn đề dân sự nên việc can thiệp của UBND xã trong việc hòa giải là đúng pháp luật. Tuy nhiên để giải quyết vụ việc thì UBND xã cũng phải dựa trên quy định của pháp luật để giải quyết.
Trân trọng
Năm 2000, tôi và một số hộ dân (5 hộ) trong hẻm đã đóng tiền làm đường ống nước chạy từ mặt tiền đường vào hẻm để được có đồng hồ nước riêng. Từ đó đến nay đã có thêm 1 số gia đình khác trong hem xin đấu nối, làm tăng số lượng đồng hồ lên 10.