Luật sư tư vấn về thủ tục đính chính sổ hộ khẩu, sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế, hồ sơ công chức sai năm sinh. Nội dung tư vấn như sau:
Nội dung tư vấn: Chào Luật sư! Luật sư cho tôi hỏi: Trước đây mọi giấy tờ hồ sơ công nhân viên của tôi khai sinh năm 1963. Do thời gian chiến tranh bị mất bản chính giấy khai sinh. Đến năm 1968 gia đinh xin lại được hai bản sao giấy khai sinh. Một bản đề sinh năm 1963, một bản đề sinh năm 1964. Hiện nay tôi đã đề nghị được cấp lại bản gốc khai sinh năm 2015 đề năm sinh 1964. Tôi muốn chỉnh sửa thông tin trên mọi hồ sơ công chức, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu thao giấy khai sinh gốc sinh năm 1964 thí có được không và thủ tục làm như thế nào?
Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến cho Cty Luật Minh Gia. Về vấn đề của bạn, Luật Minh Gia xin được giải đáp như sau:
Căn cứ theo quy định tại điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ – CP hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch có nội dung sau:
“1. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân.
2. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.
3. Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.”
Theo đó, đối với các giấy tờ khác, nếu có các dữ liệu không phù hợp với giấy khai sinh thì các cơ quan có thẩm quyền cần căn cứ vào giấy khai sinh để điều chỉnh cho phù hợp.Anh đã có giấy khai sinh được cơ quan có thẩm quyền cấp lại một cách hợp pháp, do đó anh có thể làm thủ tục điều chỉnh các giấy tờ khác cho phù hợp với giấy khai sinh đã được cấp.
Về thủ tục sửa đổi: Đối với sổ bảo hiểm xã hội bạn cần nộp một bộ hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện bao gồm:
– Công văn đề nghị của đơn vị (mẫu D01b-TS) (Lưu ý: nộp tại cơ quan BHXH tham gia cuối cùng).
– Danh sách đề nghị sửa đổi thông tin của người tham gia (mẫu D07-TS, 03 bản)
– Đơn đề nghị của người tham gia (mẫu D01-TS
– Mẫu tờ khai TK1 – TS
– Giấy khai sinh hoặc chứng minh nhân dân (Bản sao có chứng thực)
– Sổ bảo hiểm xã hội mẫu cũ hoặc Tờ bìa sổ BHXH mẫu mới
Đối với thẻ bảo hiểm y tế:
+ Tờ khai cung cấp và sửa đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT – mẫu TK1-TS (Trường hợp sửa đổi về nhân thân như họ và tên, tuổi, giới tính…..phải có xác nhận của cơ quan quản lý đối tượng trong Tờ khai).
+ Hồ sơ liên quan đến sửa đổi nhân thân (đối với các trường hợp cấp lại thẻ do sửa đổi nhân thân như: Giấy khai sinh bản chính;
+ Thẻ BHYT.
Đối với chứng minh thư nhân dân: Bạn càn đến cơ quan công an cấp huyện nơi cứ trú để làm thủ tục cấp đổi giấy chứng minh nhân dân. Các giấy tờ cần xuất trình:
– Đơn trình bày rõ lý do đổi, cấp lại chứng minh nhân dân có xác nhận của công an xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Lưu ý có ảnh và đóng dấu giáp lai.
– Sổ hộ khẩu thường trú (sổ hộ khẩu gia đình) đã được đính chính năm sinh.
Đối với sổ hộ khẩu: bạn cần đến cơ quan cơ quan công an cấp huyện (đối với thanh phố trực thuộc trung ương) hoặc cơ quan công an xã (đối với thanh phố trực thuộc tỉnh) để làm thủ tục đính chính sổ hộ khẩu. Khi đi bạn cần xuất trình sổ hộ khẩu, giấy khai sinh hoặc quyết định được phép sửa đổi của cơ quan có thẩm quyền về đăng ký hộ tịch
Đối với các giấy tờ, hồ sơ công chức khác, việc điều chỉnh sai sót sẽ thuộc trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó. Do đó, đối với những giấy tờ này, bạn cần đến gặp trực tiếp cán bộ cơ quan quản lý hồ sơ của mình để làm thủ tục đính chính.
Trân trọng
Luật sư tư vấn về thủ tục đính chính sổ hộ khẩu, sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế, hồ sơ công chức sai năm sinh. Nội dung tư vấn như sau: