Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm truyện là bài mẫu mà đội ngũ Trường Hải Tiến Giang. Thông qua bài này, em sẽ biết cách chuẩn bị các bước viết văn và có thêm một vài gợi ý về bài văn nghị luận về những đặc điểm trong cách kể của tác giả một cách hoàn chỉnh. Mời em khám phá nhé!
Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm truyện
I. Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm truyện – Trả lời câu hỏi bài viết tham khảo:
Câu 1 trang 43 SGK Ngữ văn 11 Kết nối tri thức – tập 1:
– Truyện ngắn “Đời thừa” không được thuật lại theo trình tự thời gian mà bắt đầu từ cảnh Hộ – nhân vật chính đang đọc sách rồi “hồi cố đến những chi tiết trong quá khứ của nhân vật”. Tiếp đó, người kể chuyện đã cung cấp cho người đọc một vài chi tiết, suy tư của Hộ để khám phá tính cách, nội tâm của nhân vật.
– “Cách tổ chức mạch truyện phá vỡ trật tự sự kiện như vật chính là một đặc trưng nổi bật của nghệ thuật tự sự hiện đại so với truyền thống”.
Câu 2 trang 43 SGK Ngữ văn 11 Kết nối tri thức – tập 1:
Trình tự phân tích của tác giả:
– Mô tả và đánh giá cách Nam Cao kiến tạo truyện kể.
– Chỉ ra đặc điểm của ngôi kể và điểm nhìn.
– Phân tích vai trò của ngôi kể, điểm nhìn và lời trần thuật trong việc khắc họa nhân vật.
– Chỉ ra mối liên hệ giữa người kể chuyện trong tác phẩm với nhà văn.
– Tác giả đã phân tích từ những điều bao quát đến chứng minh, phân tích chi tiết từng vấn đề để làm rõ sức hấp dẫn của nghệ thuật tự sự trong “Đời thừa”.
Câu 3 trang 43 SGK Ngữ văn 11 Kết nối tri thức – tập 1:
– Điều có thể học hỏi được: Cách phân tích đi từ khái quát đến chi tiết.
– Điều bài viết chưa làm em thỏa mãn: Chưa chỉ ra được những ví dụ về sự độc đáo khi dùng điểm nhìn từ bên trong thay vì điểm nhìn bên ngoài, từ đấy làm nổi bật lên sự độc đáo trong lối viết của Nam Cao.
II. Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm truyện – Các bước khi viết bài:
Bước 1: Chuẩn bị.
– Chọn một tác phẩm truyện mà em ấn tượng.
– Xem lại phần “Tri thức Ngữ Văn” để nắm chắc lí thuyết.
– Lựa chọn đề tài muốn viết.
Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý.
* Những ý chính cần quan tâm:
– Mối liên hệ giữa hoàn cảnh ra đời của tác phẩm và thời đại.
– Xác định các phương diện cụ thể trong cách kể chuyện của tác phẩm mà bài viết sẽ đi sâu vào phân tích.
– Đặc biệt chú ý phân tích hiệu quả của các phương thức, phương tiện nghệ thuật giúp bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ về đời sống của nhà văn và khơi gợi sự hứng thú của người đọc.
– Nêu lên những giá trị của tác phẩm.
* Sắp xếp ý theo bố cục ba phần của bài văn:
– Mở bài: Giới thiệu về tác phẩm bạn muốn phân tích và khí cạnh nghệ thuật mà bạn sẽ tập trung làm rõ.
– Thân bài: Phân tích các yếu tố để làm rõ vấn đề.
– Kết bài: Khẳng định giá trị nghệ thuật của tác phẩm truyện. .
Bước 3: Viết bài.
– Viết bài dựa trên dàn ý đã lập.
Bước 4: Kiểm tra và chỉnh sửa.
– Kiểm tra bài viết xem đã đầy đủ, chính xác yêu cầu của đề bài chưa.
– Kiểm tra chính tả, diễn đạt.
Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm truyện – Ngữ văn 11 Kết nối tri thức
III. Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm truyện – Bài văn mẫu:
Đề bài: Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm truyện (Những đặc điểm trong cách kể của tác giả).
1. Dàn ý nghị luận về tình huống truyện độc đáo, đặc sắc của tác phẩm “Vợ nhặt”, Kim Lân:
1.1. Mở bài:
– Giới thiệu truyện ngắn “Vợ nhặt” và tác giả Kim Lân.
– Giới thiệu về tình huống truyện độc đáo, đặc sắc của tác phẩm.
1.2. Thân bài:
* Phân tích tình huống truyện trong “Vợ nhặt”:
– Tình huống truyện là sự những hoàn cảnh, sự việc đặc biệt mà nhà văn tạo ra trong tác phẩm của mình nhằm thể hiện tính cách, suy nghĩ, số phận của các nhân vật.
– Tình huống truyện trong “Vợ nhặt” được thể hiện ngay từ nhan đề.
– Đánh giá tình huống truyện:
+ Lạ lùng.
+ Éo le.
* Tình huống truyện đã bộc lộ những phẩm chất của nhân vật:
– Đối với Tràng:
+ Thể hiện tính cách hiền lành, nghĩa hiệp, dám cưu mang người khác trong lúc khốn khó.
+ Nói lên khát vọng về hạnh phúc lứa đôi trong hoàn cảnh nghèo khó.
– Đối với thị:
+ Thị là một nạn nhân của nạn đói. Tình huống truyện cho thấy số phận rẻ rúm, lênh đênh của con người trong nạn đói.
+ Giúp thị tìm lại con người hiền lành, bao dung, khéo léo vốn có của mình.
– Đối với bà cụ Tứ:
+ Thể hiện lòng yêu quý, thương xót con người.
+ Bộc lộ niềm lạc quan, yêu đời, tin tưởng vào tương lai.
* Giá trị của tác phẩm thông qua tình huống truyện:
– Tình huống truyện làm nổi bật lên chủ đề của tác phẩm.
– Giá trị hiện thực:
+ Cho thấy số phận éo le, khốn khổ của con người trong nạn đói 1945.
+ Cho thấy khao khát về cuộc sống ấm êm, hạnh phúc của người dân.
– Giá trị nhân đạo:
+ Tố cáo bọn thực dân phát xít đã hành hạ nhân dân ta, gây ra nạn đói.
+ Đề cao, trân trọng tình cảm yêu thương, đùm bọc của con người với con người.
+ Thể hiện lòng đồng cảm của tác giả đối với những kiếp người lầm than.
+ Gieo vào lòng người đọc một tương lai tốt đẹp, được ánh sáng của Đảng soi sáng.
1.3. Kết bài:
– Khái quát, khẳng định lại ý nghĩa của tình huống truyện “Vợ nhặt”.
2. Bài văn mẫu nghị luận về tình huống truyện độc đáo, đặc sắc của tác phẩm “Vợ nhặt”, Kim Lân:
Nghịch cảnh sẽ khiến con người đau đớn, gục ngã hay đó chính là cơ hội để mỗi cá nhân sửa đổi, tìm thấy được những điều mình hằng mong ước? Câu hỏi đó đã được nhà văn Kim Lân đặt ra trong truyện ngắn “Vợ nhặt”, dưới một tình huống truyện cực kì độc đáo, đặc sắc.
Tình huống truyện là sự những hoàn cảnh, sự việc đặc biệt mà nhà văn tạo ra nhằm thể hiện rõ tính cách, suy nghĩ, số phận của nhân vật. Đối với truyện ngắn “Vợ nhặt”, điều này được thể hiện ngay từ nhan đề. “Vợ” là một danh từ chỉ người phụ nữ trong mối quan hệ hôn nhân. Đây là người quan trọng, là trụ cột tinh thần, gây dựng nên hạnh phúc, sự bình yên cho gia đình. Vậy mà anh cu Tràng nghèo khổ, ngờ nghệch lại “nhặt” được vợ giữa lúc nạn đói đang hoành hành khắp nơi. Chỉ riêng động từ “nhặt” đã thể hiện được sự rẻ rúng của con người vào thời điểm khốn khó kia. Từ đó, ta thấy đây là một tình huống truyện hết sức éo le, lạ lùng.
Cái lạ lùng ở đây trước hết là ở bối cảnh đầy thiếu thốn, một người trưởng thành khỏe mạnh còn chẳng lo nổi cho bản thân mình. Ấy vậy mà anh cu Tràng lại còn rước về một cô vợ. Tràng là người hội tụ mọi yếu tố khó lấy được vợ: ngoại hình xấu xí “cái mặt thô kệch”, “đôi mắt nhỏ tí”, “cái lưng to như lưng gấu”, cùng với tính cách có phần cộc cằn, thô lỗ. Chẳng những thế, anh còn nghèo, phải đi làm thuê để nuôi mẹ già. Gia sản của anh chẳng có gì một căn nhà lụp xụp ở xóm ngụ cư. Tóm lại, với ngoại hình, tính cách, gia cảnh và tình cảnh như hiện tại, Tràng khó mà kiếm được một cô vợ. Ấy thế mà trong lúc không ai ngờ nhất, Tràng lại gặp được thị. Đây chính là cái lạ của tình huống truyện.
Cái éo le trong truyện cũng được thể hiện ở một vài khía cạnh. Đầu tiên, ai cũng biết rằng lấy vợ là chuyện đại sự, là việc lớn trong cuộc đời mỗi người. Thế mà nó lại diễn ra trong thời điểm “tối sầm vì đói khát”, bị chen ngang bởi nỗi lo sợ về cái đói, cái chết lúc nào cũng rình rập, bủa vây. Duyên phận kéo thị và Tràng lại gần với nhau cũng là vì miếng ăn. Thị gặp Tràng lần đầu tiên khi anh đang kéo thóc qua dốc. Và cũng bằng một câu hò vu vơ, thị đã “lon ton” chạy lại đẩy xe cùng. Đến lần thứ hai gặp lại, thị nhanh chóng đồng ý trở thành vợ Tràng sau khi “ăn một chập bốn bát bánh đúc”. Giữa cảnh đói khát, có ai con người gắn kết với nhau vì miếng ăn. Lí do nên vợ nên chồng này thực sự quá bất ngờ, éo le.
Chính nhờ vì tình huống truyện độc đáo, lạ lùng, éo le này mà những phẩm chất tốt đẹp của nhân vật đã được bộc lộ cực kì rõ ràng. Khác xa với ngoại hình xấu xí, ngờ nghệch và tính cách có phần thô lỗ như nhà văn miêu tả. Việc Tràng chấp nhận “đèo bòng” thêm một người phụ nữ xa lạ giữa nạn đói đã bộc lộ tính cách hiền lành, nghĩa hiệp, dám cưu mang người khác trong lúc khốn khó. Ngoài ra, hành động đó còn nói lên khát vọng về hạnh phúc lứa đôi của con người. Đó là mong muốn chính đáng luôn thường trực trong lòng mỗi người, ở trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đối với thị, tình huống truyện đã cho thấy số phận rẻ rúm, lênh đênh trong xã hội thời đó. Từ một con người bị tha hóa vì đói, thị đã dần tìm lại con người hiền lành, bao dung, khéo léo vốn có của mình sau khi về với Tràng, không còn là cô gái chua ngoa, đanh đá, sẵn sàng vì miếng ăn mà bất chấp tất cả nữa. Thông qua tình huống truyện, bà cụ Tứ cũng đã bộc lộ lòng yêu thương, đồng cảm, xót xa với những con người đồng cảnh ngộ. Không những chấp nhận thị – người con dâu mới được nhặt về, bà còn thương hai người con phải lấy nhau trong cảnh khổ. Bà cụ cũng chính là người luôn miệng động viên hai con về tương lai hạnh phúc, bộc lộ thái độ lạc quan, yêu đời.
Cách nhà văn đưa ra tình huống truyện còn làm nổi bật lên chủ đề, nội dung và nhất là giá trị của tác phẩm. Trong “Vợ nhặt”, tình huống truyện đã cho người đọc thấy số phận éo le, khốn khổ của con người trong nạn đói 1945 và khao khát về cuộc sống ấm êm, hạnh phúc, tương lai tươi sáng của người dân. Ngoài ra, nhà văn cũng đã tố cáo bọn thực dân phát xít đã hành hạ nhân dân ta, gây ra nạn đói. Ông cũng đề cao, trân trọng tình cảm yêu thương, đùm bọc của con người với con người, thể hiện lòng đồng cảm của mình đối với những kiếp người lầm than.
Sự thành công của “Vợ nhặt” có sự đóng góp rất lớn từ yếu tố tình huống truyện. Nó thể hiện một góc nhìn mới, đầy nhân văn của Kim Lân, giống như ông đã từng chia sẻ: “Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề cái chết, những con người ấy không chỉ nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, vẫn tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người”.
– – – – – – – – – – – – – – – – – – – HẾT – – – – – – – – – – – – – – – – – – –
Ngoài đề tài về cách xây dựng tình huống truyện và nhân vật trong một tác phẩm, em có thể xem xét thêm các khía cạnh khác như: phân tích đặc điểm, vai trò, chức năng của người kể chuyện trong tác phẩm truyện, phân tích cách xây dựng truyện kể của một tác phẩm truyện,… Mời em tham khảo các mẫu khác trên Trường Hải Tiến Giang như: Soạn bài Cải ơi!, Ngữ văn 11 Kết nối tri thức; Soạn bài Chí Phèo, Ngữ văn 11 Kết nối tri thức; Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm truyện, Ngữ văn 11 Kết nối tri thức
Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm truyện