asd
Trang chủGiáo DụcLớp 11Phân tích bài thơ Góc sân và khoảng trời

Phân tích bài thơ Góc sân và khoảng trời

Phân tích bài thơ Góc sân và khoảng trời của Trần Đăng Khoa mang đến bài văn mẫu cực hay, ấn tượng nhất. Qua đó giúp các em có thể tham khảo để nâng cao kỹ năng viết văn bản nghị luận về một tác phẩm thơ hay.

Phân tích bài thơ Góc sân và khoảng trời

Bài thơ Góc sân và khoảng trời tuy ngắn nhưng là cảm nhận thật tinh tế của tác giả về những thứ bình dị nhưng có ý nghĩa xung quanh mình. Để hiểu rõ hơn về bài thơ mời các bạn cùng theo dõi bài văn mẫu phân tích Góc sân và khoảng trời trong bài viết dưới đây. Ngoài ra các bạn xem thêm bài văn mẫu cảm nhận về tình cảm nhân vật trữ tình trong bài thơ Áo cũ.

Phân tích bài thơ Góc sân và khoảng trời

Bài thơ “Góc sân và khoảng trời” sáng tác năm 1966, đây là thời điểm giặc Mỹ bắn phá dữ dội miền Bắc và chiến trường cực kỳ ác liệt ở miền Nam. Bài thơ được in trong tập thơ cùng tên đã thể hiện niềm trân trọng của tác giả Trần Đăng Khoa với những vẻ đẹp bình dị, thân thuộc gắn bó với quê hương, đất nước.

Bài thơ chỉ vẹn vẻn có hai khổ, mỗi khổ hai cặp lục bát, bút pháp chấm phá, gợi nhiều hơn tả đã vẽ lên một không gian nghệ thuật bình dị, thân quen của làng quê Việt Nam. Đó là một góc sân nho nhỏ, bắt đầu từ hiên nhà của Trần Đăng Khoa:

Góc sân nho nhỏ mới xây
Chiều chiều em đứng nơi này em trông

Nhà thơ miêu tả về một góc sân “nho nhỏ” bình dị của gia đình mới được xây, có lẽ do bom giặc Mỹ bắn phá quá dữ dội nên con sân của nhà thơ đã nhiều lần bị tàn phá và nhiều lần phải xây lại. Con sân ấy là nơi phơi thóc, phơi rơm, nơi diễn ra cuộc sống sinh hoạt bình dị, thân quen của gia đình. Góc sân nhỏ ấy cũng có một khoảng trời nhỏ nhưng nó cũng là cả một thế giới của nhà thơ, bởi thế chiều nào nhà thơ cũng “đứng nơi này em trông”. Từ khoảng trời nhỏ mở ra một không gian lớn:

Thấy trời xanh biếc mênh mông
Cánh cò chớp trắng trên sông Kinh Thầy

“Chiều chiều” là một thời điểm dễ gợi tâm trạng hơn cả. Trong ca dao xưa đây là thời điểm khởi nguồn cho nỗi nhớ:

“Chiều chiều em đứng em trông
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”

Nhưng trong thơ của Trần Đăng Khoa, buổi chiều lại là lúc yên bình đến lạ. Dẫu có thường xuyên phải chịu bom của giặc Mỹ đánh phá dữ dội thì bầu trời nhỏ hiện ra sau góc sân vẫn có những lúc bình yên, tươi đẹp với bầu trời cao xanh biếc mênh mông, với cánh cò chớp trắng trên sông Kinh Thầy. Tính từ “chớp trắng” gợi ra hình ảnh những cánh cò lúc bay, lúc đậu, lúc ẩn, lúc hiện trên bờ sông. Một không gian bình yên của làng quê Việt Nam thoáng ẩn hiện đằng sau góc sân và khoảng trời tươi đẹp, gợi thật nhiều rung động trong tâm hồn của người đọc.

Xa xa từ khoảng trời nhỏ là hiện thực cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Nhà thơ không giấu đi những thứ ác liệt mà mình vẫn nhìn thấy hàng ngày, đó là bom đạn, là máy bay giặc bay lơ lửng trên đầu:

Thấy đạn các chú giăng đầy
Máy bay giặc Mỹ lăn quay thêm nhiều

Đằng sau nguy hiểm và sự khốc liệt của chiến tranh ấy vẫn là niềm tin, sự lạc quan của cách mạng bởi ý chí chiến đấu quật cường của nhân dân ta. Máy bay của giặc cứ lượn lờ bắn phá trên bầu trời, còn chiến sĩ của ta vẫn kiên cường bám trụ, bắn hạ khiến giặc Mỹ khiếp sợ không kịp trở tay. Vì thế nhà thơ không giấu được niềm xúc động khi nhìn về khoảng trời nhỏ bé:

Khoảng trời em đến là yêu
Góc sân nho nhỏ chiều đứng trông

Nhà thơ chẳng giấu được niềm xúc động, tự hào về khoảng trời nho nhỏ hàng ngày mình vẫn đứng ngóng trông. Vì từng ngày từng giờ từ khoảng trời ấy mở ra những chiến công lẫy lừng của quân dân ta, những hứa hẹn về một ngày mai hòa bình, máy bay của Mỹ không còn lượn bay trên bầu trời, để hàng ngày cánh cò trắng bay dập dìu.

Bài thơ được viết theo thể thơ lục bát gần gũi với ca dao dân ca, dùng những từ láy giàu chất tạo hình. Qua đó thể hiện được tình yêu thương sâu sắc của nhà thơ với vẻ đẹp bình dị của quê hương.

Phân tích bài thơ Góc sân và khoảng trời của Trần Đăng Khoa mang đến bài văn mẫu cực hay, ấn tượng nhất. Qua đó giúp các em có thể tham khảo để nâng cao kỹ năng viết văn bản nghị luận về một tác phẩm thơ hay.

Sending
User Review
0 (0 votes)

RELATED ARTICLES