Trong luật hôn nhân gia đình có quy định về tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Vậy luật có quy định về trách nhiệm của vợ, chồng trong việc chi tiêu cho mục đích cá nhân không, tình huống dưới đây các bạn có thể tham khảo.
Câu hỏi: Thưa luật sư, em đang có tranh chấp dân sự với 2 mẹ con bà K. Cu thể như sau: em đã cho bà k vay số tiền 250 triệu, con bà k vay 100 triệu. Tất cả đều có biên nhận vay tiền, nhưng mẹ con bà K không trả cho em buộc em phải thưa kiện. Nhưng tài sản duy nhất là căn nhà do chồng bà k đứng tên, vậy luật sư có thể cho em biết: căn nhà là tài sản chung của 2 vợ chồng bà k và giá trị cả căn nhà mới đủ trả cho em, em có thể lấy hết cả căn nhà hay không hay khi xét xử giá trị căn nhà có thể chia làm 3 phần, vì vợ và con đều mắc nợ em, em co thể lấy 2 trong số 3 phần trị giá căn nhà. Rất mong luật sư sớm trả lời em. Xin chan thành cảm ơn.
Trả lời tư vấn. Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Cty Luật Minh Gia. Trường hợp này Điều 37 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:
“1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng làm nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, dùng, định đoạt tài sản chung;
4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc dùng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;
6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.”
Theo đó, nếu người vợ vay tiền để phục vụ nhu cầu thiết yếu của gia đình, để tạo lập, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình thì được xác định là nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng, khi đó vợ và chồng phải cùng nhau liên đới để làm nghĩa vụ trả nợ.
Nếu không thuộc các trường hợp trên thì được xác định là tài nghĩa vụ riêng của người vợ, trường hợp này người chồng không phải liên đới trả nợ.
Đối với việc kê biên tài sản để làm nghĩa vụ trả nợ:
Khi xác định nghĩa vụ trả nợ thuộc nghĩa vụ chung của vợ chồng thì toàn bộ ngôi nhà trên sẽ được kê biên để thi hành bản án. Trường hợp nghĩa vụ trả nợ thuộc nghĩa vụ riêng của vợ thì sẽ chỉ dùng giá trị tài sản thuộc sở hữu riêng của người vợ và tài sản riêng trong khối tài sản chung để trả nợ.
Đối với phần nghĩa vụ của người con, nếu tài sản duy nhất là căn nhà mà giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản được cấp cho hộ gia đình thì người con cũng có quyền sở hữu 1 phần giá trị căn nhà này. Khi đó phần tài sản này cũng được dùng để làm nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên, nếu trên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở được cấp cho vợ chồng, thuộc tài sản chung của vợ chồng chứ không phải là tài sản chung của hộ gia đình. Do vậy, trường hợp nghĩa vụ trả nợ là nghĩa vụ riêng của người vợ thì sẽ chỉ dùng ½ giá trị ngôi nhà thuộc sở hữu chung của vợ chồng để trả nợ.
Trân trọng
Trong luật hôn nhân gia đình có quy định về tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Vậy luật có quy định về trách nhiệm của vợ, chồng trong việc chi tiêu cho mục đích cá nhân không, tình huống dưới đây các bạn có thể tham khảo.