Một trong những thắc mắc khi người lao động muốn chấm dứt hợp đồng lao động đó là: “Có buộc phải làm đủ thời gian báo trước rồi mới được nghỉ việc không?” Câu trả lời sẽ được gửi đến bạn đọc trong bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết [Ẩn]
- 1. Muốn nghỉ việc phải báo trước bao nhiêu ngày?
- 2. Có buộc phải làm đủ thời gian báo trước rồi mới được nghỉ việc không?
- 3. Nghỉ việc khi chưa hết thời gian gia báo trước có phải bồi thường?
1. Muốn nghỉ việc phải báo trước bao nhiêu ngày?
Theo Điều 35 Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bất cứ lý do gì, miễn sao đảm bảo quy định về thời gian báo trước. Cụ thể:
– Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn:
- Làm công việc đặc thù như thành viên tổ lái tàu bay; nhân viên khai thác bay; người quản lý doanh nghiệp, thuyền viên,…: Báo trước ít nhất 120 ngày.
- Làm các công việc còn lại: Báo trước ít nhất 45 ngày.
– Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 đến 03 năm:
- Làm công việc đặc thù như thành viên tổ lái tàu bay; nhân viên khai thác bay; người quản lý doanh nghiệp, thuyền viên,…: Báo trước ít nhất 120 ngày.
- Làm các công việc còn lại: Báo trước ít nhất 30 ngày.
– Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 năm:
- Làm công việc đặc thù như thành viên tổ lái tàu bay; nhân viên khai thác bay; người quản lý doanh nghiệp, thuyền viên,…: Báo trước ít nhất ¼ thời hạn của hợp đồng lao động.
- Làm các công việc còn lại: Báo trước ít nhất 03 ngày làm việc.
Riêng nghỉ việc với một số lý do đặc biệt như: Không được bố trí công việc theo thỏa thuận, không được trả đủ lương, bị ngược đãi, cưỡng bức lao động, đủ tuổi nghỉ hưu,… thì người lao động được nghỉ việc luôn bất cứ lúc nào mà không cần báo trước cho phía doanh nghiệp.
Muốn nghỉ việc phải báo trước bao nhiêu ngày? (Ảnh minh họa)
2. Có buộc phải làm đủ thời gian báo trước rồi mới được nghỉ việc không?
Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019 nêu rõ, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người dùng lao động. Theo đó, nếu không có thỏa thuận nào khác với người dùng lao động thì người lao động buộc phải tuân thủ quy định về thời gian báo trước.
Hiểu đơn giản là người lao động buộc phải làm đủ thời gian báo trước rồi mới được nghỉ việc. Người lao động đảm bảo điều này sẽ được coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp.
Trong thời gian báo trước khi nghỉ việc, người lao động vẫn được đảm bảo đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp như được trả lương, nghỉ hưởng phép năm, nghỉ lễ, Tết,… theo quy định.
Lưu ý, hợp đồng lao động vốn là thỏa thuận giữa người lao động và người dùng lao động. Do đó, nếu người dùng lao động đồng ý cho người lao động nghỉ việc trước thời hạn báo trước thì người này có thể nghỉ việc sớm hơn quy định mà không buộc phải làm đến khi hết thời gian báo trước.
Có buộc phải làm đủ thời gian báo trước rồi mới được nghỉ việc không? (Ảnh minh hoạ)
3. Nghỉ việc khi chưa hết thời gian gia báo trước có phải bồi thường?
Nếu không được người dùng lao động đồng ý mà nghỉ việc khi chưa hết thời gian báo trước, người lao động sẽ bị coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Tương ứng với đó, người lao động sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi khi mất đi một số quyền lợi mà còn phải bồi thường cho người dùng lao động theo quy định tại Điều 40 Bộ luật Lao động 2019. Cụ thể như sau:
– Về vấn đề bồi thường: Người lao động phải bồi thường cho người dùng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động tương ứng với những ngày không báo trước.
Ngoài ra, nếu từng được đào tạo từ kinh phí do người dùng lao động chi trả, người lao động còn phải hoàn trả chi phí đào tạo.
– Về quyền lợi bị mất:
- Không được trợ cấp thôi việc.
- Không được hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo điểm a khoản 1 Điều 49 Luật Việc làm số 38/2013/QH13).
Trên đây là thông tin giải đáp cho câu hỏi: “Có buộc phải làm đủ thời gian báo trước rồi mới được nghỉ việc không?”. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam hỗ trợ chi tiết.