Người lao động sẽ nhận được một số khoản chi phúc lợi nhất định. Cụ thể, chi phí phúc lợi cho nhân viên gồm những gì? Người lao động có phải chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với những khoản này không?
Chi phí phúc lợi cho nhân viên gồm những gì?
Chi phí phúc lợi cho nhân viên gồm những khoản chi được quy định tại điểm 2.30 khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 96/2015/TT-BTC, Thông tư 25/2018/TT-BTC, khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC:
– Chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động;
– Chi nghỉ mát;
– Chi hỗ trợ điều trị bệnh hiểm nghèo cho bản thân người lao động và thân nhân của người lao động;
– Chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo: Tiền đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động phù hợp với công việc chuyên môn, nghiệp vụ của người lao động/theo kế hoạch của doanh nghiệp;
– Chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau;
– Chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập;
– Chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động;
– Chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động (trừ khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động vượt mức quy định tại hợp đồng lao động, thỏa ước lao động, quy chế tài chính…);
– Những khoản chi có tính chất phúc lợi khác: Phí hội viên và các khoản chi dịch vụ khác phục vụ cho cá nhân theo yêu cầu như: chăm sóc sức khoẻ, vui chơi, thể thao, giải trí, thẩm mỹ…
Chi phí phúc lợi cho nhân viên gồm những gì? Có tính thuế TNCN? (Ảnh minh họa)
Chi phí phúc lợi cho nhân viên có tính thuế TNCN?
Tùy từng khoản chi phúc lợi có thể tính thuế TNCN hoặc không. Cụ thể:
– Được miễn các khoản sau:
-
Khoản chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động (tổng chi không quá 01 tháng lương bình quân thực tế làm trong năm tính thuế của doanh nghiệp);
-
Khoản hỗ trợ cho việc khám chữa bệnh hiểm nghèo cho bản thân người lao động và thân nhân của người lao động;
-
Khoản chi trả hộ tiền đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động phù hợp với công việc chuyên môn, nghiệp vụ của người lao động hoặc theo kế hoạch của đơn vị dùng lao động thì không tính vào thu nhập của người lao động.
– Các khoản còn lại như: Chi nghỉ mát; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động; chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động;…
-
Nếu nội dung chi trả không ghi tên cá nhân được hưởng mà chi chung cho tập thể người lao động thì được miễn thuế TNCN.
-
Nếu ghi rõ tên cá nhân được hưởng thì tính thuế TNCN (ghi tên ai thì cộng vào thu nhập của người đó để tính thuế TNCN).
Ví dụ:
Tình huống 1: Tháng 5/2024, Cty A tổ chức cho toàn thể người lao động trong Cty đi nghỉ mát. Mức hỗ trợ: 09 triệu đồng/người
=> Các cá nhân đi nghỉ mát sẽ không bị tính khoản tiền này vào thu nhập chịu thuế khi tính thuế TNCN
Tình huống 2: Tháng 8/2024, Cty B không tổ chức cho nhân viên đi nghỉ mát mà chi bằng tiền cho mỗi cá nhân người lao động 09 triệu đồng để người lao động tự đi nghỉ mát cùng với gia đình.
Khoản chi nghỉ mát vào tháng 8/2024 cho từng cá nhân người lao động được lập phiếu chi ghi rõ tên nên sẽ bị tính vào thu nhập chịu thuế của từng người đó tại tháng 8/2024 để tính thuế TNCN.
Trên đây là giải đáp về vấn đề liên quan đến chi phí phúc lợi cho nhân viên.
Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.