Với vẻ ngoài đẹp mắt, nhiều kích thước, cây kim ngân rất thích hợp trang trí bàn làm việc, nhà cửa văn phòng, … Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc cây có rất nhiều vấn đề xảy ra, như cây bị rụng lá, lụi tàn, cây còi cọc kém phát triển. Để giúp bạn có một chậu kim ngân đẹp, xanh tốt, khỏe mạnh, chúng tôi xin chia sẻ đến bạn Cách trồng và chăm sóc cây kim ngân luôn xanh tốt sau đây.
I. Đặc điểm của cây kim ngân
Cây Kim Ngân là loài cây có thân gỗ, chắc chắn, dẻo dai. Trong điều kiện tự nhiên, cây có thể cao đến 6m. Lá kim ngân thuộc loại lá kép chân chim, gồm 5 lá nhỏ tượng trưng cho ngũ hành. Lá xanh quanh năm, thể hiện sức sống tràn đầy.
Cây rất ít nở hoa, thường chỉ nở vào ban đêm khoảng từ tháng 4 đến tháng 11. Khi nở tỏa ra hương thơm thoang thoảng, hoa kim ngân gồm những cánh lớn màu kem nhạt, đài hoa có màu nâu nạt hình bầu dục với 5 cánh màu xanh vàng, dài 15 cm. Quả cây kim ngân có hình bầu dục, màu xanh lục khi chín chuyển sang nâu, bên trong chia làm 5 ngăn.
Gốc cây kim ngân khá to, dáng hình trụ vững trãi. Theo phong thủy, người ta thường lựa chọn số cây kim ngân trồng trong chậu là số lẻ như 1,3,5. Với những cây có số lượng từ 3 gốc trở lên, thường được đan bện lại với nhau như bím tóc. Nhiều người thường thích trồng cây kim ngân vì đây là loại cây cảnh đẹp, dễ trồng, vừa giúp thanh lọc không khí vừa mang lại vương khí tài lộc.
II. Cách trồng cây kim ngân
Cây kim ngân thường được trồng trong chậu, do đó, trước khi bắt đầu trồng cây, bạn cần chuẩn bị chậu và đất trồng.
Về chậu cây, bạn không cần quá phức tạp, nên lựa chọn chậu có kích thước phù hợp với cỡ cây, có khả năng thoát nước tốt.
Về đất trồng, để đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cũng như giúp cây phát triển tốt, bạn cần chuẩn bị một hỗn hợp đất gồm 60% tro trấu, 15% trấu sóng, 25% xơ dừa trộn đều với 100g phân lân. Như vậy cây đa có đủ nguồn dinh dưỡng ban đầu để nuôi rễ.
Quy trình trồng cây kim ngân
Bước 1: Lót một ít sỏi hoặc ít sỉ than để cho phần đáy chậu thông thoáng dễ thoát nước, tránh úng rễ, giúp rễ cây thoải mái phát triển.
Bước 2: Đổ đất tầm 1/3 đến gần nửa chậu. đặt cây vào, cố định cho cây thẳng dứng sau đó cho hết phần đất còn lại vào, nén chặt.
Bước 3: Tưới nước lần đầu tiên cho đẫm đất, đặt trong bóng râm, thoáng mát. Khi cây ra rễ mới, có lá non mới mang ra ánh sáng hay tại khu vực mà bạn mong muốn. Để chậu cây trông đẹp hơn, bạn có thể rải thêm một lớp sỏi trắng phía trên hoặc trang trí theo sở thích của riêng mình.
III. Cách chăm sóc cây kim ngân
Ngoài việc trồng cây, rất nhiều người quan tâm đến vấn đề chăm sóc cây sao cho cây phát triển khỏe mạnh, mọc nhiều lá non. Dưới đây là những điều bạn cần lưu ý trong quá trình chăm sóc cây.
1. Ánh sáng
Cây kim ngân thuộc loại cây ưa sáng, thích những nơi có nhiều ánh sáng và ưa sáng nhưng không phải ánh sáng trực tiếp từ mặt trời. Mỗi tuần, bạn nên phơi nắng cây khoảng 1 giờ đồng hồ, thời gian còn lại nên đặt cây ở khu vực có nhiều sáng. Vì cây phát triển theo hướng có ánh sáng nên thỉnh thoảng bạn phải xoay cây tránh phát triển không đối xứng.
Trong môi trường ít ánh sáng mặt trời, chủ yếu là ánh đèn, cây vẫn phát triển bình thường. Vị trí tốt nhất để đặt cây là gần cửa sổ hoặc dưới đèn huỳnh quang, tránh đặt nơi tối tăm, ẩm ướt hay dưới ánh nắng trực tiếp của mặt trời. Tuy nhiên, mỗi tuần bạn cũng nên cho cây tắm nắng 1-2 ngày/ tuần hoặc 1-2 tiếng buổi sáng để lá phục hồi chất diệp lục, phòng tránh sâu bệnh.
2. Nhiệt độ và độ ẩm
Cây kim ngân có thể thích nghi với mọi thời tiết, bất kể trời nóng, lạnh hay môi trường máy lạnh chạy liên tục. Nhiệt độ lý tưởng để cây sinh trưởng và phát triển là từ 18 đến 26 độ C. Cây rất dễ bị sốc nhiệt khi chuyển từ nơi quá nóng sang nơi lạnh và ngược lại. Do đó, khi mới mua về bạn nên để cây trong môi trường nhiệt độ phòng. Khi cây đã quen với nhiệt độ phòng, bạn bật máy lạnh liên tục cũng không ản hưởng tới sự sống của cây.
Về độ ẩm, bạn nên duy trì độ ẩm ở mức 50% bằng cách để một khay sỏi ướt dưới đáy chậu. Nếu đặt cây trong phòng lạnh, bạn nên thường xuyên tưới nước cho cây dưới dạng phun sương để cây duy trì độ ẩm đều hơn.
3. Lượng nước tưới
Cây kim ngân không cần quá nhiều nước, do đó bạn không cần phải thường xuyên tưới cây. Chỉ cần nên tưới nước khoảng 2 lần/ tuần đối với cây trồng ngoài trời. Đối với cây trong phòng máy lạnh khoảng 1 lần/ tuần. Khi tưới nước cần tưới nhiều và đều trên mặt chậu, để ráo hết nước mới đặt lại bàn làm việc hoặc trong phòng.
Khi tưới nhớ quan sát lớp đất của cây, nếu đất mau khô chứng tỏ đất cằn cỗi, không tơi xốp, nếu đất mọng nước lâu thoát nước chứng tỏ phần đáy nước đã bị đọng lại, nếu bạn lo lắng về vấn đề lượng nước, có thể dùng chậu cây có chức năng giữ nước hay trồng thủy sinh.
4. Cách bón phân cho cây
Trồng một thời gian, đất sẽ không đủ chất dinh dưỡng để cung cấp cho cây do đó cần bổ sung phân đạm. Bạn có thể tìm mua phân NPK-20-20-15 hòa với nước theo tỉ lệ 100g phân bón với 10 lít nước, khuấy đều rồi tưới vào gốc. Mỗi tháng bón 1 lần. Với những cây đã có hoa và quả nên bón phân Kali cho cây theo tỉ lệ 100g Kali với 10 lít nước tưới lên bề mặt chậu. Không nên tưới trực tiếp lên thân và lá sẽ làm khô và nóng cây.
Không nên bón quá nhiều, bởi khi bón quá nhiều cây sẽ chỉ phát triển về chiều cao mà không phát triển đầy đủ tán lá. Về mùa đông, nên giảm lượng phân bón do thời điểm này cây hấp thụ chất dinh dưỡng kém.
5. Nhân giống
Cây kim ngân có thể nhân giống bằng hạt hoặc bằng kĩ thuật giâm cành.
Kĩ thuật phổ biến nhất, được nhiều người áp dụng để nhân giống cây kim ngân là giâm cành. Thời gian giâm cành tốt nhất là vào mùa hè. Tiến hành cắt một đoạn thân cây dài từ 10-15 cm, cho vào nước hoặc đất ngay lập tức. Nếu đặt trong nước, chờ đến khi rễ phát triển dài ít nhất 2 cm sau đó mới di chuyển đến nơi ấm áp và có nắng.
Phương pháp nhân giống bằng hạt dễ hơn nhưng ít phổ biến hơn. Bắt đầu bằng cách ngâm hạt trong nước 24 giờ. Sau 24 giờ, đặt hạt đều vào trong đất, phủ lớp đất khoảng 1 cm trên hạt. Tưới nước và đặt chậu ở ấm áp, có ánh sáng. Trong quá trình cây nảy mầm cần tưới nước nều mặt. Khi cây con phát triển đủ lớn, tách cây ra từng chậu riêng biệt.
IV. Các bệnh thường gặp ở cây kim ngân
Trong quá trình chăm sóc không thể tránh khỏi những lúc cây bị bệnh. Sau đây là một số biểu hiện và cách khắc phục.
1. Cây kim ngân bị vàng lá, rụng lá
Lá cây bỗng dưng chuyển vàng đó chính là dấu hiệu cây đang bị suy yếu, nguyên nhân chủ yếu là do bạn tưới quá nhiều nước, đất và chậu không kịp thoát nước, tạm ngưng tưới nước một thời gian, đưa cây ra vị trí thoáng khí, có gió để phần nước trong đất nhanh chóng bay hơi.
Kiểm tra nếu nguyên nhân do đất trữ nước hay chậu không thoát nước kịp, hãy thay thế phần đất ở đáy và xung quanh cây. Nên lót một lớp sỏi hay sỉ than ở đáy chậu để cây dễ dàng thoát nước hơn.
Nếu lá cây chuyển nâu tức là cây không đủ độ ẩm, hãy tăng độ ẩm lên đồng thời cung cấp đủ nước cho cây.
Trong quá trình trồng cây kim ngân, không nên di chuyển chỗ của cây quá nhiều, cây sẽ phản ứng bằng cách rụng lá. Trường hợp mà cây mới mua về mà bị rụng lá, đừng lo lắng, đó chỉ lá dấu hiệu của việc cây bị di chuyển.
Cây kim ngân bị dốm lá có thể là do thiếu kali, cũng có thể do bạn tưới nhiều nước. Nếu nguyên nhân do tưới nước, hãy điều chỉnh lượng nước và loại bỏ bất kỳ lá chết nào để ngăn chặn nguồn bệnh phát triển. Nếu nguyên nhân do thiếu kali, bạn có thể xử lý bằng cách bổ sung kali.
2. Cây kim ngân còi cọc, chậm lớn
Biểu hiện rõ ràng nhất là phần lá non, lá mới ra thường bị xoan, cây ra nhiều lá nhưng lá rất bé và thiếu cân bằng. Nhiều người thường lầm tưởng, cây mọc nhiều mầm nhưng lá bé là dấu hiệu cây đang phát triển tốt mà là cây đang cảm thấy mình thiếu sức sống, phản ứng sinh tồn nên cố gắng vươn mầm sống. Điều đó phản ánh bộ rễ có vấn đề. Nguyên nhân có thể do vi khuẩn có hại đã và đang phá hủy các lông hút ở đầu rễ cây hoặc không đủ khoảng trống để rễ cây mọc ra.
Phương pháp giải quyết là dùng thuốc kích rễ TS2, pha trộn với đất. Mặc dù mất công và tăng chi phí nhưng đây lại là điều hết sức cần thiết giúp cây phát triển bình thường.
3. Thân và lá kim ngân bị khô héo
Ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp trong một khoảng thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng mất nước, sốc nhiệt. Biểu hiện rõ nhất ở lá, lá bắt đầu mềm nhũn và héo rũ. Để khắc phục, bạn hãy cắt bỏ lá héo úa, nếu tán lá rộng chỉ nên để lại 3 lá để cây quang hợp. Duy trì lượng nước vừa đủ, tuyệt đối không nên tưới phân vào thời điểm này. Khi cây ổn định phát triển trở lại, hãy bón thêm phân để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây.
Trên đây là cách trồng và chăm sóc cây kim ngân luôn xanh tốt. Hy vọng với những thông tin mà chúng tôi cung cấp trên đây sẽ giúp bạn có một chậu kim ngân đẹp, khỏe mạnh. Chúc các bạn thành công!!!
Với vẻ ngoài đẹp mắt, nhiều kích thước, cây kim ngân rất thích hợp trang trí bàn làm việc, nhà cửa văn phòng, … Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc cây có rất nhiều vấn đề xảy ra, như cây bị rụng lá, lụi tàn, cây còi cọc kém phát triển. Để giúp bạn có một chậu kim ngân đẹp, xanh tốt, khỏe mạnh, chúng tôi xin chia sẻ đến bạn Cách trồng và chăm sóc cây kim ngân luôn xanh tốt sau đây.