Đề cương ôn tập học kì 1 môn Tiếng Việt 5 sách Chân trời sáng tạo mang tới những dạng câu hỏi ôn tập trọng tâm trong chương trình học kì 1, giúp thầy cô giao đề cương ôn tập học kì 1 cho học sinh của mình theo chương trình mới.
Đồng thời, cũng giúp các em học sinh lớp 5 làm quen với các dạng bài tập, ôn thi cuối học kì 1 năm 2024 – 2025 hiệu quả. Ngoài ra, có thể tham khảo thêm đề cương học kì 1 môn Lịch sử – Địa lí, Khoa học 5 CTST. Vậy mời thầy cô và các em học sinh cùng theo dõi bài viết dưới đây của Trường Hải Tiến Giang:
Đề cương học kì 1 môn Tiếng Việt 5 sách Chân trời sáng tạo
A. Kiến thức
1. Đọc
– Đọc thành tiếng:
Các bài tập đọc từ tuần 1- tuần 17 (Đọc và trả lời câu hỏi)
+ Đọc trôi chảy, lưu loát một đoạn trong bài tập đọc đã học theo tốc độ khoảng 100 tiếng/phút
+ Biết đọc diễn cảm, nhấn giọng ở những từ ngữ gợi tả, gợi cảm trong đoạn văn, đoạn thơ phù hợp với nội dung đoạn đọc
+ Hiểu nội dung chính, ý nghĩa cơ bản của bài
– Đọc hiểu:
Đọc thầm và tìm hiểu nghĩa các từ, các chi tiết, nhân vật, nội dung, ý nghĩa của câu chuyện, bước đầu biết liên hệ, vận dụng vào thực tế.
2. Luyện từ và câu
Ôn tập các nội dung sau:
– Từ đồng nghĩa (SGK tr.12)
– Từ đa nghĩa (SGK tr.30)
– Đại từ (SGK tr.86)
– Kết từ (SGK tr.111)
3. Tập làm văn
– Viết bài văn tả phong cảnh
– Viết bài văn kể chuyện sáng tạo
B. Đề minh họa
Đề số 1
A. Kiểm tra đọc
I. Đọc thành tiếng
GV cho học sinh đọc một đoạn trong các bài tập đọc và trả lời một số câu hỏi về nội dung đoạn vừa đọc theo quy định.
II. Đọc thầm văn bản sau:
Đất Cà Mau
Cà Mau là đất mưa dông. Vào tháng ba, tháng tư, sớm nắng chiều mưa. Đang nắng đó, mưa đổ ngay xuống đó. Mưa hối hả, không kịp chạy vào nhà. Mưa rất phũ, một hồi rồi tạnh hẳn. Trong mưa thường nổi cơn dông.
Cà Mau đất xốp. Mùa nắng, đất nẻ chân chim, nền nhà cũng rạn nứt. Trên cái đất phập phều và lắm gió, dông như thế, cây đứng lẻ khó mà chống nổi với những cơn thịnh nộ của trời. Cây bình bát, cây bần cũng phải quây quần thành chòm, thành rặng; rễ phải dài, phải cắm sâu vào trong lòng đất. Nhiều nhất là đước. Đước mọc san sát đến tận mũi đất cuối cùng, thẳng đuột như hằng hà sa số cây dù xanh cắm trên bãi. Nhà cửa dựng dọc theo những bờ kênh, dưới những hàng đước xanh rì. Nhà nọ sang nhà kia phải leo trên cầu bằng thân cây đước…
Sống trên cái đất mà ngày xưa, dưới sông “sấu cản mũi thuyền”, trên cạn “hổ rình xem hát” này, con người phải thông minh và giàu nghị lực. Họ thích kể, thích nghe những huyền thoại về người vật hổ, bắt cá sấu, bắt rắn hổ mây. Tinh thần thượng võ của cha ông được nung đúc và lưu truyền để khai phá giữ gìn mũi đất tận cùng này của Tổ quốc.
Theo Mai Văn Tạo
Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu:
Câu 1: Cà Mau sớm nắng chiều mưa vào thời gian nào ?
A. Tháng hai, tháng ba.
B. Tháng ba, tháng tư.
C. Tháng tư, tháng năm.
D. Tháng năm, tháng sáu.
Câu 2: Cây cối trên đất Cà Mau mọc ra sao?
A. Cây cối mọc lơ thơ.
B. Cây cối mọc san sát, chen chúc nhau.
C. Cây cối mọc thành chòm, thành rặng, rễ dài cắm sâu vào lòng đất để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt.
D. Cây cối mọc thành chòm, thành rặng, san sát nhau.
Câu 3: Người Cà Mau dựng nhà cửa như thế nào?
A. Dựng nhà cửa sát với bìa rừng.
B. Nhà cửa dựng dọc theo những bờ lênh dưới những hàng đước xanh rì. Nhà nọ sang nhà kia phải leo trên cây cầu bằng thân cây đước.
C. Nhà cửa dựng dọc theo bờ kênh. Nhà nọ sang nhà kia phải leo trên cây cầu bằng thân cây đước.
D. Nhà cửa dựng trước dòng kênh cạnh những dòng đước xanh rì.
Câu 4: Chi tiết: “Họ thích kể, thích nghe những huyền thoại về người vật hổ, bắt cá sấu, bắt rắn hổ mây.” nói lên điều gì về tính cách của người Cà Mau?
A. Người Cà Mau thích vật hổ, bắt cá sấu, bắt rắn hổ mây.
B. Người Cà Mau dũng cảm, gan dạ.
C. Người Cà Mau thích nghe những chuyện về người có trí thông minh và sức khỏe phi thường.
D. Người Cà Mau thông minh và giàu nghị lực.
Câu 5: Nội dung của bài đọc nói về điều gì?
Câu 6: Từ “ăn” trong câu nào được dùng theo nghĩa gốc?
A. Gia đình Lan đang ăn cơm.
B. Cô ấy rất ăn ảnh.
C. Tuấn chơi cờ rất hay ăn gian.
D. Bạn ấy cảm thấy rất ăn năn.
Câu 7: Em hãy tìm đại từ thích hợp để điền vào chỗ trống:
a) Dòng sông vào mùa thu nước chảy chậm rãi, nhiều lúc tưởng như ………………. đang ngủ quên trong tiết trời mát mẻ.
b) Nam là học sinh giỏi toán nhất lớp và ……………………… cũng là người có khả năng nhảy rất giỏi.
c) Có ………………………… ngôi sao trên trời mà đêm hôm nay sáng thế nhỉ?
Câu 8: Tìm 2 – 3 từ đồng nghĩa với nhóm từ dưới đây và đặt câu 2 câu với các từ vừa tìm được.
a) Cắt:…………………………
Đặt câu:………………………..
b) Chăm:………………………..
Đặt câu:………………………..
Câu 9: Từ “bác” trong ví dụ nào sau đây được dùng như một đại từ xưng hô?
A. Chị Lan là con của bác Hải.
B. Anh Nam là con trai của bác tôi.
C. Người là cha, là bác, là anh.
D. Bác được tin rằng/ Cháu làm liên lạc.
Câu 10: Gạch chân dưới các kết từ trong những câu sau:
a, Hoa thiên lí không những thơm mà còn dùng làm thức ăn rất bổ dưỡng.
b, Tuy làng mạc bị tàn phá nhưng mảnh đất quê hương vẫn đủ sức nuôi sống tôi như ngày xưa nếu tôi có ngày trở về.
c, Nếu nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài thì cây cối sẽ khô héo.
B. Kiểm tra viết
Đề bài: Viết bài văn tả cảnh đẹp thiên nhiên em ở vào một buổi trong ngày.
Hướng dẫn giải chi tiết
A. Kiểm tra đọc
1. B
2. C
3. B
4. D
6. A
9. D
Câu 5: Bài đọc nói về sự khắc nghiệt của thiên nhiên Cà Mau góp phần hun đúc nên tính cách kiên cường của người dân Cà Mau.
Câu 7:
a) nó
b) cậu ấy
c) bao nhiêu
Câu 8:
a) Cắt: thái, xắt, xẻo, chặt, băm, xén,…
Đặt câu: Mẹ em đang thái thịt bò để chuẩn bị bữa tối.
b) Chăm: chăm chỉ, siêng năng, cần cù, chịu khó, chuyên cần,…
Đặt câu: Anh ấy siêng năng tập luyện mỗi ngày để nâng cao kỹ năng bóng đá.
Câu 10:
a, Hoa thiên lí không những thơm mà còn dùng làm thức ăn rất bổ dưỡng.
b, Tuy làng mạc bị tàn phá nhưng mảnh đất quê hương vẫn đủ sức nuôi sống tôi như ngày xưa nếu tôi có ngày trở về.
c, Nếu nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài thì cây cối sẽ khô héo.
B. Kiểm tra viết
Sáng nay chủ nhật, không phải đi học, em cùng mẹ ra thăm đồng ruộng của nhà em. Dưới ánh nắng rực rỡ ban mai, cánh đồng trông như tấm thảm vàng trải rộng vô cùng đẹp mắt.
Nghe mẹ nói hôm nay lúa đã vào mùa gặt. Thảo nào xa xa em đã thấy cả cánh đồng lúa chín vàng rực, thân lúa đã ngả sang màu vàng sẫm, còn bông lúa uốn câu trĩu nặng. Cánh đồng trông thật đẹp, thỉnh thoảng những cơn gió lùa qua làm cho từng khoảnh lúa lay động, dập dờn như sóng, đám này ngả rạp xuống, đám kia uyển chuyển nhô lên, như đôi tay thiếu nữ đang vờn múa. Em đưa mắt dõi ra xa, có vài thửa ruộng lúa còn xanh, bông lúa chỉ mới hoe vàng ở phía cuối. Thân lúa mập xanh còn cứng cáp. Lúa chín vàng có vẻ đẹp riêng khác với lúa đang thì con gái. Nó không còn một màu xanh mượt mà trải dài như đang mời gọi mà óng ánh vàng. Sớm nay. trời thật xanh, bầu trời cao và rộng. Nắng nhẹ nhàng lan tỏa khắp cánh đồng, từng đám mây là là bay. Đâu đó đàn chim chao mình bay lượn, thỉnh thoảng chúng đậu trên đầu, trên cổ anh bù nhìn, nhảy nhót tung tăng rồi cất tiếng hót lảnh lót.
Đưa tay ngắt nhẹ bông lúa cho vào miệng, một vị ngòn ngọt thơm mùi sữa tê đọng trên đầu lưỡi. Gió thoảng mùi thơm ngây ngất của lúa chín, khiến tâm hồn ta thêm phơi phới. Nhìn bao quát cánh đồng, em thấy quê mình thật đẹp. Đó đây có bóng người trên đồng nón trắng. Một con mương nhỏ thẳng tắp, len lỏi dẫn nước đến từng thửa ruộng. Hai bên bờ, những hàng phi lao tỏa bóng mát.
Mặt trời đã lên cao, nắng vàng rực rỡ khiến cả cánh đồng vàng óng hẳn lên, hương lúa càng nồng nàn ngây ngất. Em vui khi thấy quê mình đã vào mùa thu hoạch. Những hạt thóc vàng chất đầy trên xe là niềm vui của người nông dân, của từng gia đình. Em đã đi về mà âm thanh và mùi vị của cánh đồng lúa chín còn đọng mãi trong em.
….
>> Tải file để tham khảo trọn bộ đề cương!
Đề cương ôn tập học kì 1 môn Tiếng Việt 5 sách Chân trời sáng tạo mang tới những dạng câu hỏi ôn tập trọng tâm trong chương trình học kì 1, giúp thầy cô giao đề cương ôn tập học kì 1 cho học sinh của mình theo chương trình mới.