Phân chia thừa kế như thế nào khi việc phân chia thừa kế đã làm xong nhưng lại xuất hiện thêm người thừa kế mới? Luật sư tư vấn cụ thể thông qua tình huống như sau:
Nội dung câu hỏi: Sau khi bố tôi mất, mẹ tôi đã chia thừa kế cho anh chị em họ hàng theo di chúc của bố tôi. Nhưng một năm sau, chú tôi đến đưa ra bản di chúc có bút tích của bố tôi (lúc bố tôi mất, chú đang công tác ở xa). Bản di chúc này được viết sau bản di chúc đã chia tài sản của mẹ tôi. Trong bản di chúc này có chia một phần di sản cho người con ngoài giá thú của bố tôi mà bố tôi đã cho đi làm con nuôi từ nhỏ. Vậy xin hỏi gia đình tôi phải giải quyết như thế nào trong trường hợp trên.
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Cty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Di chúc là sự thể hiện ý chí của bố bạn nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác.
Theo quy định tại khoản 5 Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015: “5. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.”
Ở đây, bố bạn lập hai bản di chúc đối với một tài sản, bản di chúc mà chú bạn đưa ra được viết sau bản di chúc mà gia đình bạn có trước đây, vì vậy bản di chúc mà chú bạn đưa ra là bản di chúc sau cùng và có hiệu lực pháp luật.
Tuy nhiên, trường hợp này của gia đình bạn vì đã chia thừa kế theo di chúc cũ của bố bạn. Sau khi chia di sản thừa kế xong thì xuất hiện thêm người thừa kế mới là người con ngoài giá thú của người để lại di sản. Trường hợp này phải giải quyết theo Khoản 1 Điều 662 Bộ luật Dân sự quy định phân chia di sản trong trường hợp có người thừa kế mới như sau:
“1. Trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không làm việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp đã phân chia di sản mà có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế thì người đó phải trả lại di sản hoặc thanh toán một khoản tiền tương đương với giá trị di sản được hưởng tại thời điểm chia thừa kế cho những người thừa kế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Nếu gia đình bạn cho rằng có vướng mắc trong bản di chúc mà chú bạn đưa ra thì phải có căn cứ chứng minh di chúc không phải do bố bạn lập hoặc chứng minh được rằng trong khi bố bạn lập bản di chúc đó, bố bạn không được minh mẫn, sáng suốt, bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép; nếu gia đình bạn chứng minh được những điều đó thì có quyền yêu cầu hủy bản di chúc đó đi vì nó không có tính hợp pháp theo quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015:
“1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
…”
Như vậy, nếu gia đình bạn đồng ý xác định đây là di chúc cuối cùng do bố bạn viết và các bên đồng ý xác nhận thì có thể phân chia cho người con riêng này một phần tương ứng với phần thừa kế họ được hưởng theo di chúc. Việc phân chia này có thể được chia bằng tiền hoặc hiện vật.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Cách chia di sản khi xuất hiện thêm người thừa kế mới. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ với Minh Gia để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.
Phân chia thừa kế như thế nào khi việc phân chia thừa kế đã làm xong nhưng lại xuất hiện thêm người thừa kế mới? Luật sư tư vấn cụ thể thông qua tình huống như sau: