Hiện nay tình trạng ly hôn diễn ra ngày càng phổ biến. Tuy nhiên nhiều người vẫn chưa am hiểu rõ các quy định về phân chia tài sản trên mảnh đất do bố mẹ đứng tên và quyền nuôi con dẫn đến nhiều trường hợp quyền lợi mình bị ảnh hưởng. Kính mới bạn đọc cùng tìm hiểu rõ quy định thông qua nội dung tư vấn sau đây.
Nội dung đề nghị tư vấn: Chào luật sư. Rất mong luật sư tư vấn cho tôi về vấn đề sau: Tôi xây dựng gia đình năm 2004, đến nay đã có 2 con, cháu lớn sinh tháng 5/2005, cháu bé sinh tháng 1/2007. Năm 2010 vợ chồng tôi làm nhà trên đất của bố mẹ chồng, đến nay vẫn chưa chuyển nhượng đất cho vợ chồng tôi. Điều đáng nói là bố mẹ chồng tôi là người kỷ tính, khó chịu và gia trưởng và chồng tôi lại nghe lời bố mẹ chồng, nên giữa 2 vợ chồng luôn xảy ra bất hòa, mỗi lần vợ chồng cãi nhau là ông lại đổ thêm dầu vào lửa. Cũng nói thêm tôi là viên chức nhà nước thu nhập ổn định, chồng tôi làm hợp đồng nên tiền lương giúp vợ nuôi con và bố mẹ chồng (2 ông bà không có lương hưu) là không có, mọi chi tiêu trong nhà tôi đều phải cân đo đong đếm khổ sở như vậy nhưng cả gia đình chồng coi thường tôi. Tôi đã nghĩ đến vấn đề ly hôn. Vậy xin hỏi luật sư khi ly hôn tôi có quyền nuôi 2 con không? Và tôi có quyền lợi gì về ngôi nhà vợ chồng tôi xây dựng lên không. Xin cảm ơn luật sư.
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến cho Cty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Thứ nhất, về việc chia tài sản khi ly hôn
Theo thông tin chị cung cấp, vợ chồng bạn xây dựng nhà kiên cố trên đất của bố mẹ chồng bạn và đất này vẫn chưa chuyển nhượng đất cho vợ chồng bạn. Như vậy, sau khi anh chị ly hôn tài sản sẽ được phân chia như sau:
– Đối với mảnh đất: Hiện tại, bố mẹ chồng vẫn đang đứng tên trên mảnh đất. Do đó, theo quy định pháp luật, bố mẹ là chủ dùng hợp pháp đối với mảnh đất nên được xác định là tài sản riêng của bố mẹ chồng. Do đó, đất sẽ không được phân chia.
– Đối với ngôi nhà: Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, nếu ngôi nhà mà anh chị xây trên đất của bố mẹ là tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác được hình thành trong thời kỳ hôn nhân … sẽ được xác định là tài sản chung của vợ chồng. Do đó khi ly hôn, pháp luật ưu tiên hai vợ chồng tự thoả thuận về việc phân chia tài sản. Trường hợp không tự phân chia, ngôi nhà sẽ được chia đôi nhưng xét đến các yếu tố như: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; Công sức đóng góp; Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; Lỗi của mỗi bên theo quy định tại điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Thứ hai, về quyền nuôi con khi ly hôn
Theo thông tin chị cung cấp, bạn là viên chức nhà nước thu nhập ổn định, chồng tôi làm hợp đồng, mọi chi tiêu trong gia đình chủ yếu phụ thuộc vào bạn.
Theo quy định tại Điều 48 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về vấn đề trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau
– Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
– Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Như vậy, việc nuôi con sẽ do hai bên tự thoả thuận. Trường hợp không thoả thuận được, Toà án sẽ xem xét, quyết định dựa trên nguyện vọng của hai con cũng như những điều kiện của cha mẹ: tài chính nuôi con ăn, học, các điều kiện tinh thần…để đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho con của bạn.
Trân trọng !
Hiện nay tình trạng ly hôn diễn ra ngày càng phổ biến. Tuy nhiên nhiều người vẫn chưa am hiểu rõ các quy định về phân chia tài sản trên mảnh đất do bố mẹ đứng tên và quyền nuôi con dẫn đến nhiều trường hợp quyền lợi mình bị ảnh hưởng. Kính mới bạn đọc cùng tìm hiểu rõ quy định thông qua nội dung tư vấn sau đây.