Trong hoạt động tố tụng hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền quyết định tạm giữ, tạm giam hoặc áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội của cá nhân. Sau quá trình điều tra, cá nhân có thể được thả tự do nếu hành vi mà mình làm không cấu thành tội phạm. Vậy, trong trường hợp này, cá nhân đó có được yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bồi thường hay không?
Trường hợp đề nghị tư vấn: Cơ quan điều tra huyện A đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can M về tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) và ra lệnh tạm giam M để điều tra. Lệnh tạm giam đã được Viện kiểm sát nhân dân huyện A phê chuẩn. Nhưng sau qua trình điều tra, Viện kiểm sát nhân dân huyện A ra quyết định huỷ bỏ lệnh tạm giam vì M không làm hành vi phạm tội. M có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Hỏi trường hợp của M có được bồi thường thiệt hại không? Nếu có thì cơ quan nào có trách nhiệm bồi thường?
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Cty Luật Minh Gia, với nội dung bạn vướng mắc chúng tôi tư vấn như sau:
Điều 598 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về Bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra như sau:
“Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.”
Tại Điều 18 Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước 2017 có quy định Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự như sau:
“Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:
1. Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp mà không có căn cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và người đó không làm hành vi vi phạm pháp luật;
2. Người bị bắt, người bị tạm giữ mà có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự quyết định trả tự do, hủy bỏ quyết định tạm giữ, không phê chuẩn lệnh bắt, quyết định gia hạn tạm giữ vì người đó không làm hành vi vi phạm pháp luật;
3. Người bị tạm giam mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã làm tội phạm;
4. Người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, người đã bị kết án tử hình, người đã thi hành án tử hình mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm;
5. Người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án không bị tạm giữ, tạm giam, thi hành hình phạt tù mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã làm tội phạm;
…”
Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên thì trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhưng sau đó quyết định trả tự do do xác định không có hành vi phạm tội thì bị can M có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Cơ quan bồi thường thiệt hại được xác định căn cứ theo quy định tại Điều 35 Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước 2017 như sau:
“Điều 35. Viện kiểm sát giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự
Viện kiểm sát là cơ quan giải quyết bồi thường trong các trường hợp sau đây:
1. Đã phê chuẩn lệnh bắt, quyết định gia hạn tạm giữ của Cơ quan điều tra hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhưng người bị bắt, bị tạm giữ không có hành vi vi phạm pháp luật;
2. Đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam, quyết định gia hạn tạm giam mà sau đó có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã làm tội phạm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 34 của Luật này; đã quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung nhưng căn cứ kết quả điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can vì không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã làm tội phạm;
…”
Như vậy, theo các quyết định nêu trên, thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này là Viện kiểm sát nhân dân huyện A, nơi có quyết định phê chuẩn lệnh tạm giam của Trưởng công an huyện A.
Trân trọng!
P. Luật sư tư vấn – Cty Luật Minh Gia
Trong hoạt động tố tụng hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền quyết định tạm giữ, tạm giam hoặc áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội của cá nhân. Sau quá trình điều tra, cá nhân có thể được thả tự do nếu hành vi mà mình làm không cấu thành tội phạm. Vậy, trong trường hợp này, cá nhân đó có được yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bồi thường hay không?